Giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở vững mạnh

Đăng lúc: 16:49:13 09/05/2024 (GMT+7)

Hà Nội – Ngày 8.5, Tọa đàm khoa học với chủ đề Giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII do Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến từ cơ sở. Trong đó, tập trung vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

 
ảnh 1.jpg
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đã được đưa ra tại Tọa đàm. Ảnh: Kiều Vũ

Tăng cường sự lãnh đạo của công đoàn cấp trên đối với công tác cán bộ Công đoàn cơ sở

Từ thực tế tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đánh giá, nhìn chung, đội ngũ cán bộ công đoàn ở cơ sở trên địa bàn đủ về số lượng; có lập trường tư tưởng vững vàng; có đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật, có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đông nhưng chưa mạnh; hầu hết hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian và công sức thỏa đáng cho hoạt động công đoàn.

Cán bộ Công đoàn cơ sở sau đại hội có nhiều biến động. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức các hoạt động công đoàn…

ảnh 2.jpg
          Ông Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Kiều Vũ

Với kinh nghiệm và thực tiễn, ông Cảnh đưa ra một số giải pháp, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của Công đoàn cấp trên đối với công tác cán bộ Công đoàn cơ sở với việc đánh giá đúng về tình hình đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở cũng như đúng thực chất về điều kiện đảm bảo cho hoạt động công đoàn ở cơ sở, nhất là công đoàn trong doanh nghiệp; thực hiện quy hoạch cán bộ Công đoàn cơ sở; tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn…

Ông Cảnh cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức của công đoàn cấp trên cơ sở. Theo đó, tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới gồm những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm hoạt động công đoàn, có kiến thức chuyên sâu về quan hệ lao động, có đủ các kỹ năng cần thiết để tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn, có đủ khả năng hoạt động độc lập trong việc hướng dẫn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ.

Đối với các giải pháp thương lượng tập thể về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, điều kiện lao động tại các doanh nghiệp Ngoài Nhà nước được đặt ra tại Tọa đàm, ông Ngô Thế Anh - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần cụ thể hóa các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp thành các quy định, quy chế phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị.

Đặc biệt xây dựng Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, xây dựng quy trình đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, quy trình tổ chức Hội nghị Người lao động hằng năm.

Tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn

Tại Tọa đàm, trong lời đề dẫn, TS Nguyễn Thị Thùy Yên, Trưởng Khoa Quan hệ Lao động và Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn cho biết thực hiện sứ mệnh “Đào tạo đội ngũ cán bộ cho tổ chức Công đoàn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu khoa học về công nhân, công đoàn, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng các chính sách về người lao động” của Nhà trường, Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn luôn tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học về công nhân, công đoàn và quan hệ lao động.

Nhằm tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, đồng thời, làm phong phú, hoàn thiện thêm hệ thống lý luận về công tác Công đoàn trong tình hình mới là một trong những cơ sở để Khoa tổ chức Tọa đàm. Chính vì vậy, những ý kiến từ cơ sở của các đại biểu tham gia Tọa đàm thực sự có ý nghĩa.

ảnh 3.jpg
              Ông Ngô Thế Anh. Ảnh: Kiều Vũ

Trong đó, như ý kiến của ông Ngô Thế Anh, là cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ phụ trách công tác đối thoại thương lượng. Cụ thể là chú ý các khâu trong đào tạo bồi dưỡng những vấn đề cốt lõi trong thương lượng, đối thoại tại doanh nghiệp, những vấn đề công nhân lao động, người sử dụng lao động thường đưa ra để thương lượng. Khi được đào tạo, tập dượt trước các thành viên tham gia đối thoại, thương lượng sẽ không bị thiếu hụt thông tin, kiến thức để trao đổi, tự đặt ra cho mình được các tình huống để phản biện, tự tin hơn trong quá trình đàm phán để đạt được mục đích đàm phán…

Tọa đàm có sự tham gia của các cán bộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động một số tỉnh thành, Công đoàn ngành... Nội dung Toạ đàm tập trung các vấn đề: Bối cảnh và các thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam; Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; Thương lượng về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, điều kiện lao động tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; Công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng tại Công đoàn cơ sở; Đổi mới hoạt động Công đoàn trong tình hình mới.